Thương quá điều ơi! - Chương 2 - Phần 3 – C&N*

Thương quá điều ơi! - Chương 2 - Phần 3

CHƯƠNG II: GIÁ TRỊ ĐIỀU VIỆT NAM


Phần 3: Bệ phóng lịch sử và Những người đi tiên phong


Ông Nguyễn Văn Lãng kể (nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Vinacas) đó là mùa xuân năm 1983, ông được ông Mười Phi (lúc bấy giờ làm Giám đốc Sở Ngoại Thương TP.HCM ) nói là có lãnh đạo Trung Ương cần gặp. Ông Lãng không ngờ người đó lại là bác Hai (Ông Phạm Hùng- nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ), người mà ông may mắn được gặp năm 1982, khi đi dự Hội nghị điều toàn quốc tại tỉnh Sông Bé cũ. Ông Phạm Hùng tiếp ông trong căn phòng khách của Thủ tướng, cùng dự có ông Mười Phi và người thơ ký.

Ông Phạm Hùng quay qua hỏi ông Lãng: “Cháu công tác ở Sở Ngoại Thương Thành phố phải không?”.

Ông Lãng trả lời: “Dạ vâng, cháu công tác ở bộ phận xúc tiến thương mại”.

Ông Phạm Hùng lấy thứ gì đó hình như rất quí ở trong sắc cốt của ông ra. Ông bảo: “Đây là hạt điều, ở xứ ta nhiều lắm, giờ dân không biết làm gì, chỉ biết nướng ăn bậy, trái thì nấu canh chua… không biết dùng vào việc gì. Nhưng ở bên Tây, người ta bán mắc lắm, mấy đứa mà chế biến xuất khẩu được thì quí lắm. Đất nước ta đang rất cần ngoại tệ mạnh, dân lại bán được hạt điều giá cao, đỡ lắm. Bác gửi mấy đứa túi mẫu này rồi nghiên cứu chế biến thử, khi nào thành công báo cáo bác, bác Hai sẽ có thưởng”.

Ông Lãng nghe xong trong lòng mừng vui khôn tả, ông không ngờ một trí thức người chế độ cũ như ông lại được tin tưởng trọng dụng, giao cho trọng trách lớn như thế. Ông nhận nhiệm vụ. Ông Phạm Hùng quay qua nói với người thơ ký của mình “Từ nay nhóm của cậu Lãng có cần gì thì phải thu xếp cố gắng giúp đỡ để đất nước sớm xuất khẩu được hạt điều”.


Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và ông Nguyễn Văn Lãng - Ảnh: NVL

Sau này ông Lãng mới biết rằng trong chuyến công tác nước ngoài, bác Hai có gặp ông Phương, một Việt kiều yêu nước mang hai quốc tịch Việt-Pháp. Lúc bấy giờ ông Phương đã có hệ thống bán lẻ khá lớn ở Thủ đô Paris nước Pháp. Năm 2000, khi tôi cùng ông Lãng qua Châu Phi mua hạt điều, chúng tôi có ghé Paris, ở lại nhà ông Phương ít ngày.

Ông Phương kể “Bác Hai thấy hạt điều ở đây mê lắm”.

Bác hỏi “Hạt điều cháu bán nhập từ đâu?

Ông Phương thưa “Cháu nhập từ Ấn Độ”. Bác lại hỏi “Sao cháu không nhập từ Việt Nam?”

Ông Phương thưa “Vì Việt Nam chưa làm được hạt điều xuất khẩu”.

Bác lặng đi và nói “ Bác về nước, bác sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh, bàn với lãnh đạo thành phố phải tìm cách chế biến xuất khẩu hạt điều, vì xứ mình hạt điều nhiều lắm, bán rẻ như cho, dân trồng điều khổ lắm”. Ông Phạm Hùng lại hỏi ông Phương “Cháu đồng ý giúp bác chứ?”

Ông Phương thưa “Dạ được ạ, nhưng giúp bằng cách nào thưa bác Hai?”

Bác Phạm Hùng vỗ vai ông Phương “Rồi việc gì cũng có cách giải quyết cháu ạ”.

Sau này Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp là cơ quan giới thiệu ông Phương với ông Lãng. Ông Phương đã cùng với anh ông Lãng đến thư viện lục tìm tài liệu về hạt điều mang về nhà gói gém gửi về Việt Nam cho ông Lãng. Cũng may mà ông Lãng là người biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên việc đọc dịch không khó khăn lắm.

Lại nói về ông Lãng, sau khi trực tiếp nhận nhiệm vụ từ Phó thủ tướng Phạm Hùng, về nhà suốt đêm ông không ngủ được. Ông lo vì không biết bắt đầu công việc như thế nào. Tài liệu nghiên cứu ở đâu? Hợp tác với ai? Tiền bạc lấy ở đâu? Sau cùng ông đã tìm đến số anh em trí thức được đào tạo từ nước ngoài và trong nước, đó là các ông: Trần Ngọc Mến kỹ sư cơ khí, tiến sĩ kinh tế; Nguyễn Minh Sơn kỹ sư cơ khí; Lê Công Thành kỹ sư sinh hóa. Ông nói lúc bấy giờ việc viết một đề án nhận tiền của nhà nước để nghiên cứu là rất khó, vả lại ông cũng không quen công việc ấy. Cho nên ông đã tự động bán căn nhà của mình ở số 89B Nguyễn Đình Chiễu thành phố Hồ Chí Minh, được 200 cây vàng để có tiền mua vật tư nghiên cứu chế tạo, sản xuất thử và trang trải chi phí cho cái dự án của ông. Công việc diễn ra trong suốt hơn một năm với rất nhiều khó khăn thách thức. Nhiều lúc muốn bỏ cuộc nhưng với sự giúp đỡ của lãnh đạo thành phố, đặc biệt là sự động viên của bác Phạm Hùng (một con người rất quan tâm đến cây điều), cuối cùng thì ông Lãng cũng có được một số tài liệu về hạt điều ở trong và ngoài nước. Ông giao cho nhóm kỹ sư mày mò nghiên cứu không kể ngày đêm. Sau đó thì ông hiểu rằng hạt điều có hai phần chính (vỏ điều, trong vỏ có dầu và nhân), trong đó nhân điều là phần có giá trị kinh tế cao nhất. Vậy là đã rõ, cần phải có phương pháp lấy nhân ra khỏi vỏ sao cho tỷ lệ bể thấp nhất, nhân lại không dính dầu vỏ, điều quan trọng là phải giữ nguyên được mùi vị, màu sắc đặc trưng của hạt điều. Cuối cùng thì nhóm nghiên cứu của ông Lãng cũng thống nhất công nghệ chế biến điều xuất khẩu sẽ có những công đoạn chủ yếu như sau: phơi bảo quản hạt, phân cỡ, xử lý hạt, cắt tách vỏ cứng ra khỏi hạt, sấy nhân còn vỏ lụa, bóc vỏ lụa, phân loại, đóng gói.

Nhưng làm thế nào để cắt tách hạt, lấy nhân ra khỏi vỏ, xuất khẩu theo tiêu chuẩn nào… là cả một núi công việc. Chuyện này đã được nhà báo Hoàng Hải Vân mô tả trên báo thanh niên vào năm 2004 dưới tiêu đề “ Người khai sinh ra ngành chế biến điều”.

Cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng thăm xưởng chế biến điều - Ảnh: NVL

Chỉ biết rằng sau khi nắm ý tưởng và xác định được bước đi, nhóm của ông Lãng đã tiếp tục hợp tác với các nhóm khác như nhóm của kỹ sư Vũ Liệt, Năm Can, kỹ sư Phú, kỹ sư Lợi… để chế tạo những máy cắt thủ công, nồi chao dầu điều, phòng sấy nhân, những con dao, bàn bóc vỏ lụa… Cho đến năm 1985, gần 5 tấn hạt điều nhân xuất khẩu đầu tiên của nhóm ông đã được thông quan tại cảng Nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh, đích đến là thủ đô Paris của nước Pháp. Người đặt hàng lô này là ông Phương một Việt kiều yêu nước như đã nói ở phần trên.

Sau đó việc xuất khẩu hạt điều của nhóm ông Lãng đã phải tạm dừng một thời gian vì ông không còn tiền để tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh sản phẩm. Hai nữa là, khi nhà máy chế biến lương thực thực phẩm của thành phố, một nhà máy kiểu mẫu được triển khai vào năm 1984 theo chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Duẩn khi vào thăm trạm nghiên cứu sản xuất thử của ông Lãng, nhưng khi xí nghiệp đi vào hoạt động thì ông Lãng lại không được giao làm Giám đốc mà làm Phó giám đốc. Ông buồn xin nghỉ.

Chúng ta còn nhớ năm 1986 là năm tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6. Thời kỳ từ 1982 – 1985 là thời kỳ mà các lãnh đạo ở Trung Ương và thành phố luôn trăn trở tìm cách phá thế bao vây cấm vận của Mỹ và Trung Quốc. Thời kỳ đó những việc làm được gọi là “xé rào” của một số doanh nghiệp ở thành phố, trong đó có trạm của ông Lãng, có khi lại được coi như là một điển hình để minh chứng cho việc chúng ta có thể tự đi lên từ chính đôi chân của mình. Cho nên cũng trong thời gian này rất nhiều lãnh đạo cao cấp ở Trung Ương như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch nước Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Phó Thủ tướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Tố Hữu… đã đến xưởng ông Lãng để tìm hiểu mô hình, tìm hướng phát triển kinh tế cho đất nước, chính đây là động lực cho ông Lãng tiếp tục công tác. Và đến năm 1988, công nghệ chế biến điều xuất khẩu của ông Lãng đã thực sự hoàn chỉnh. Những lô hàng liên tục được xuất khẩu qua Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật, Mỹ…Sau đó nhóm của ông đã chuyển giao công nghệ chế biến điều xuất khẩu cho Long An (1989), Sông Bé (1990), Đồng Tháp (1991) và một số nơi khác. Từ các địa phương này các nhà máy chế biến điều đã phát triển rất mạnh ở Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước, Phú Yên…

Các bạn thân mến, theo tôi ông Nguyễn Văn Lãng là người có công rất lớn trong việc khai phá, hình thành công nghệ chế biến điều Việt Nam. Ngày ông ra đi (ông Lãng mất tháng 5/2017), Thường vụ, Ban chấp hành Hiệp hội Điều Việt Nam và bạn bè đồng nghiệp thân thiết đã đến tiễn đưa ông - người thầy, người anh, người đồng nghiệp - về nơi an nghỉ cuối cùng. Một điều chúng ta - những người đi sau - cần ghi nhận là gần như cả cuộc đời ông Lãng nghiên cứu làm điều từ năm 1982 đến 2017, ông chưa nhận được huân chương kể cả bằng khen của Nhà nước cho công lao đã đóng góp của mình. Bù lại ông lại nhận được rất nhiều sự nể trọng của bạn bè đối tác ở trong và ngoài nước. Nhưng quí hơn cả là sự quan tâm của người đứng đầu chính phủ giành cho ông khi ông nằm trên giường bệnh, đó là bức thư bác Phạm Hùng gửi ông Lãng khi ông ốm.

 

Thư tay của cố Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) Phạm Hùng gửi ông Nguyễn Văn Lãng – tư liệu do gia đình ông Lãng cung cấp