Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 2 – C&N*

Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 2

CHƯƠNG III: NHỮNG QUYẾT ĐỊNH BƯỚC NGOẶT CỦA TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM – DẤU ẤN VINACAS


Quyết định 120 - Quyết định chiến lược phát triển ngành điều đầu tiên của Chính Phủ 

Trải qua gần 10 năm hoạt động tính từ ngày thành lập đến năm 1999, những người công tác ở Hiệp Hội Điều Việt Nam luôn có cảm giác lẻ loi, tự bơi là chính. Nhiều chuyên gia đánh giá, so với cây khác như chè, cao su, cà phê… cây điều được Nhà Nước đầu tư khiêm tốn nhất nhưng có được chuỗi thành tích rất ấn tượng: năng suất điều vào loại cao của thế giới, sử dụng công nghệ chế biến máy móc thiết bị trong nước, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, thị trường xuất khẩu đa dạng phong phú, giải quyết nhiều công ăn việc làm…

Chúng ta biết rằng năm 1988, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng nay là Thứ Trưởng Chính Phủ có quyết định số 242-CT ngày 05/09/1988 giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành cây điều cho Bộ Nông Nghiệp và Công Nghệ Thực Phẩm (nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn). Cũng năm đó, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn có qui định 442/NN-XNK QĐ ngày 16/09/1988 về việc giao cho Tổng Công Ty Xuất Nhập Khẩu Công Nghiệp Thực Phẩm (Vinalimex) nhiệm vụ xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất, tổ chức thu mua, chế biến, xuất khẩu hạt điều… Trước mắt xây dựng ngay chương trình phát triển sản xuất và chế biến điều từ nay đến năm 1995 và tầm nhìn 1996-2000. Trên thực tế, người nông dân, doanh nghiệp vẫn tự lo là chính.

Nông dân trồng điều tỉnh Bình Phước - Nguồn www.quanlynhanuoc.vn

Ông Phạm Đình Thanh - thơ ký Hiệp Hội Điều - nhớ lại, theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thái Học (Nguyên Chủ Tịch Hiệp Hội Điều khóa III), ông làm việc với ông Nguyễn Văn Ánh - trưởng phòng Vinalimex - và ông Phạm Văn Nguyên - kỹ sư chuyên gia của Tổng công ty - nhằm đề xuất chiến lược đầu tiên cho ngành điều. Sau đó ông Học đã ra Hà Nội làm việc nhiều lần với lãnh đạo Bộ và Cục trồng trọt. Ông Thanh nhờ tôi ra Hà Nội làm việc với ông Đoàn Xuân Hóa lúc bấy giờ còn làm trưởng phòng của Cục chế biến Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, nhằm rà soát lại các mục tiêu trước khi trình ông Nguyễn Công Tạng - Phó Thủ Trưởng thay mặt Thủ Trưởng Chính Phủ - ký quyết định.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài Chính kể lại: khi đó ông rất băn khoăn trăn trở vì một cây có đóng góp nhiều cho xuất khẩu như thế nhưng lại chưa được Nhà nước quan tâm tương xứng. Ông thuyết phục ông Nguyễn Công Tạng vào làm việc với các địa phương có trồng, chế biến xuất khẩu hạt điều và Hiệp Hội Cây Điều Việt Nam để tìm hướng tháo gỡ cho cây điều. Tại buổi làm việc với Hiệp Hội có ông Nguyễn Thái Học (chủ tịch Hội và là đại diện Tổng Công Ty Vinalimex), đoàn Trung Ương có ông Nguyễn Công Tạng - Phó thủ trưởng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn và ông Nguyễn Văn Thọ. Ông Học thay mặt Hội báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điều, những khó khăn và những đề xuất. Ông Hòa ở Cục Trồng Trọt báo cáo mục tiêu chiến lược phát triển ngành Điều giai đoạn 2000-2010 và tầm nhìn 2020. Mọi người sôi nổi đóng góp ý kiến. Ông Nguyễn Công Tạng sau đó kết luận: “Giao cho Cục Trồng Trọt phối hợp với Hiệp Hội Điều Việt Nam hoàn chỉnh bản đề án và ông sẽ thay mặt Thủ Tướng ký ban hành”. Và ngày 07/05/2009 quyết định 120 của Thủ Tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam chính thức ra đời.

Sau đó, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn và Hiệp Hội Điều Việt Nam đã phối hợp tổ chức một hội nghị với sự có mặt của lãnh đạo Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh và Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, các tỉnh có trồng điều, tham dự tại khách sạn Đồi Dương tỉnh Bình Thuận. Chủ trì hội nghị là ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - và chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận.

Ông Lê Huy Ngọ - Nguyên Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn - Nguồn: www.nongthonmoihatinh.vn

Lúc này tôi ngồi đọc lại những chỉ tiêu của ngành điều mà quyết định 120 đề cập thấy chẳng có gì lớn lao. Thí dụ mục tiêu xuất khẩu đến năm 2015 là 100 ngàn tấn nhân. Trên thực tế năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu trên 200 ngàn tấn nhân và đã là quốc gia xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới. Thế nhưng theo lời ông Thanh thì lúc bấy giờ, ông đi phổ biến quyết định này ở các hội nghị thì nhiều người lại cho rằng: “Ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời”.

Lại nói về hội nghị “Đồi Dương”, theo tôi thì đây là hội nghị đầu tiên do VINACAS tổ chức với qui mô hoành tráng nhất (tính đến thời điểm đó). Khách sạn Đồi Dương lúc bấy giờ là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Phan Thiết, khách về dự cũng đông, quĩ của Hội thì hạn chế nhưng hội nghị cũng đã thành công mỹ mãn. Cũng là do chàng sumo của ngành điều Việt Nam (tôi muốn nói đến ông Hồ Ngọc Cầm – Chủ Tịch VINACAS) lúc bấy giờ tài trợ. Còn nhớ công ty Fatimex lúc bấy giờ là một doanh nghiệp lớn của ngành điều Việt Nam. chả thế mà anh Ba Hải lúc còn làm chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận nói với tôi: “Fatimex là doanh nghiệp hàng năm đóng góp rất đáng kể vào ngân sách của Tỉnh”.