Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 3 – C&N*

Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 3

CHƯƠNG III: NHỮNG QUYẾT ĐỊNH BƯỚC NGOẶT CỦA TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM – DẤU ẤN VINACAS

Từ quốc gia xuất khẩu điều thô sang quốc gia nhập khẩu điều thô - "Ngôi Vương" của kẻ đến sau

Còn nhớ những năm đầu của thể kỷ 21, tình hình chế biến điều gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu lao động. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để cải thiện năng suất lao động trong khâu chế biến, góp phần tạo vị thế cạnh tranh cho hạt điều Việt Nam trên thị trường quốc tế. Lúc bấy giờ, Ban Chấp Hành Hiệp Hội đã tổ chức rất nhiều hội nghị và hội thảo, lấy ý kiến nhiều chuyên gia cả trong và ngoài nước về vấn đề chế biến. Cuối cùng thì mọi người thống nhất đi đến đánh giá: hiện nay một số anh em kỹ sư, một số đơn vị đang cải tiến thử nghiệm bước đầu thành công một thế hệ máy cắt tách hạt và máy bóc vỏ lụa tự động. Nếu tập họp được lực lượng, có được một ít vốn mới để tiếp tục cải tiến hoàn thiện thì Việt Nam sẽ có một thế hệ máy cắt tách và bóc vỏ lụa mới.


Trước đây, việc cắt tách thủ công khiến ngành điều gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lao động - Nguồn: www.bnews.vn

Bàn mãi cuối cùng với sự giúp đỡ của Bộ Khoa Học Công Nghệ và anh Hòa ở Cục Chế Biến, đề án mang mã số KC.07/DA.13/08-10 ra đời. Cơ quan chủ trì dự án là Hiệp Hội Điều Việt Nam. Chủ nhiệm dự án sản xuất thử nghiệm: cử nhân Nguyễn Đức Thanh. Dự án thuộc chương trình "Khoa học công nghệ trọng điểm" cấp Nhà Nước. Thời gian thực hiện dự án là 24 tháng. Kinh phí thực hiện 14,862 triệu đồng, trong đó Nhà Nước hỗ trợ 3,942 triệu đồng, phần còn lại là kinh phí đối ứng. Mục tiêu dự án là: “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị, chế tạo máy tự động tách vỏ hạt điều và máy bóc vỏ lụa nhân điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu”.

Lúc đầu Ban Chấp Hành Hiệp Hội giao cho Tiến sỹ Hoàng Bình làm chủ nhiệm và viết đề án nhưng vì nhiều lý do khác nhau, đề án của anh Bình đưa ra hội đồng thì lại không đạt yêu cầu. Hiệp Hội buộc phải viết lại đề án, giao cho tôi làm chủ nhiệm. Tôi đã phải tổ chức nhiều cuộc họp và tập họp nhiều anh em là kỹ sư cơ khí trong ngành đang nghiên cứu chế tạo thử máy và một số doanh nghiệp có điều kiện tham gia thực hiện dự án. Sau này dự án thành công, tôi cũng đã xác nhận nhiều lần là có công rất lớn của anh Đặng Hoàng Giang lúc bấy giờ làm Tổng Thư Ký Hiệp Hội kiêm Thơ Ký dự án. Các cá nhân tham dự thực hiện đề án: Cử nhân Nguyễn Đức Thanh, Kỹ sư Nguyễn Văn Lãng, Tiến sỹ Hoàng Mạnh Bình, Kỹ sư Huỳnh Lê Can. Các đơn vị tham gia thực hiện dự án gồm công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Long Tín và cơ sở cơ khí chế tạo máy Tín Diệu.

Sau này do nhu cầu công việc cho nên ban chủ nhiệm dự án đã mời thêm nhiều đơn vị phối hợp thực hiện như công ty Donafoods tỉnh Đồng Nai, công ty Nam Long tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, công ty TANIMEX-LA, công ty Nhật Huy tỉnh Bình Dương. Về cá nhân lực lượng tham gia dự án cũng đông đảo hơn gồm Giáo sư tiến sỹ Trần Doãn Sơn, Tiến sỹ Hoàng Tuấn, ông Phạm Văn Công và ông Quốc Như cùng các kỹ sư  như ông Khôi từ Khuôn Máy Việt, ông Sang từ Anco Việt. Chị Ngân văn phòng Vinacas làm kế toán dự án. Cuối cùng với sự cộng tác tích cực của các anh em làm công tác chế tạo máy, đề án cũng đã hoàn thành với chất lượng rất cao. Ngày Hội Đồng Khoa Học cấp Nhà Nước họp để thông qua, có sự chủ trì của Giáo sư Chu Hảo Thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ, phản biện 1 là Kỹ sư Phạm Đình Thanh, phản biện 2 là Kỹ sư Nguyễn Văn Ánh và 6 thành viên khác.

Chủ tịch hội đồng sau khi nghe chủ nhiệm dự án báo cáo và các ý kiến của phản biện cũng như là các thành viên trong hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu. Dự án đã đạt điểm 8.5. Ông chủ tịch kết luận đồng ý cho chủ nhiệm tiến hành triển khai dự án, để kết quả của dự án nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Máy cắt hạt điều - Nguồn: www.maycathatdieu.blogspot.com

Dây chuyền máy cắt tách hạt điều - Nguồn:Khuôn Máy Việt - www.vietmoldmachine.com

Trở về Hiệp Hội, ban chủ nhiệm dự án đã nhanh chóng tổ chức các cuộc chuyển giao ở nhà máy Nhật Huy, nhà máy Donafoods, nhà máy Nam Long vì những nhà máy này có sẵn các máy thế hệ mới. Thật bất ngờ chỉ sau một thời gian ngắn khoảng 2 năm (2011-2012), các thế hệ máy cắt tách hạt, bóc vỏ lụa mới của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên ban đầu các máy do Việt Nam sản xuất còn rất nhiều hạn chế, sau nhờ sự đầu tư không biết mệt mỏi của chủ doanh nghiệp mà các thiết bị “Made in Vietnam” đã dần hoàn thiện tạo nên một kỳ tích trong ngành điều. Điều này góp phần chuyển hẳn nền sản xuất theo lối thủ công của một ngành hàng sang sản xuất cơ giới hóa một phần tự động hóa, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn. Đó là đưa năng suất lao động của các nhà máy tăng hơn 10 lần, đó là vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà máy cơ bản được cải thiện. Vì khi áp dụng công nghệ này các nhà máy không còn phải đưa hạt điều về hộ gia đình hoặc vào trại cải tạo gia công như trước đây. Một điều quan trọng khác là dù sản xuất bằng máy nhưng tỷ lệ nhiễm dầu, tỷ lệ bể... tức là định mức kỹ thuật trong khâu chế biến đã không tăng so với sản xuất thủ công. Chính vì vậy mà nhiều khách hàng quốc tế khi đến tham quan các nhà máy ở Việt Nam phải thốt lên “Thật tuyệt vời!”. Ông Nguyễn Thái Học nguyên chủ tịch Vinacas, và ông Phạm Đình Thanh một chuyên gia lão luyện của ngành điều đã đánh giá “Đây thật sự là cuộc cách mạng trong ngành điều!”.