Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 5 – C&N*

Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 5

CHƯƠNG III: NHỮNG QUYẾT ĐỊNH BƯỚC NGOẶT CỦA TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM – DẤU ẤN VINACAS


Hợp tác kinh doanh Việt Nam - Châu Phi

Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, ngành điều Việt Nam phát triển rất nóng trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu. Điều đó mang lại nhiều lợi ích cho đất nước nhưng cũng nảy sinh những khó khăn mới nhất là thiếu nguyên liệu.

Khi tôi qua Bờ Biển Ngà (Ivory Coast - IVC) tham dự hội nghị quốc tế về hạt điều do Hội Đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà mời, tôi phát hiện ra vấn đề là Chính Phủ và các doanh nghiệp điều ở Châu Phi có nhu cầu xuất khẩu hạt điều thô rất lớn. Và dường như họ rất thích làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam, vì họ không muốn chỉ mãi lệ thuộc vào các doanh nghiệp Ấn. Mặt khác, họ cũng ngày càng nhận thức rõ ràng là Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia chế biến xuất khẩu hạt điều số 1 thế giới và đang chi phối thị trường thay cho vai trò của Ấn Độ. Về phía Việt Nam, tôi thấy đa số các doanh nghiệp của chúng ta cũng rất hào hứng muốn tìm hiểu làm ăn với các đối tác đến từ IVC, Nigieria, Benin, Ghana,...

Về đến nhà, tôi mang việc này bàn với anh em trong ban thường vụ. Ban chấp hành hiệp hội và mọi người thống nhất cao là sẽ gấp rút tổ chức một hội nghị khách hàng quốc tế dành cho các đối tác đến từ Châu Phi và chỉ bàn về hợp tác kinh doanh xuất nhập khẩu hạt điều thô. Ban chấp hành hiệp hội giao cho ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINACAS - chuẩn bị tổ chức Hội Nghị.

Người nông dân trồng điều ở Châu Phi - Nguồn: www.giz.de

Ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại Khách sạn Victory Sài Gòn (14 Võ Văn Tần, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), hội nghị chính thức khai mạc với sự bảo trợ của Bộ Công Thương. Tới dự có đến 200 đại biểu đa số đến từ Châu Phi, một số đến từ Ấn Độ và các nước khác. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khá đông. Ông Đặng Hoàng Giang đọc lời chào mừng, giới thiệu đại biểu và giới thiệu người điều hành hội nghị. Lúc bấy giờ là tôi - Chủ Tịch VINACAS, cùng với ông Sanogo Malamine - Chủ Tịch Hội Đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA) - đồng chủ trì hội nghị. Ông Giang có bài trình bày về kế hoạch sản xuất kinh doanh và nhập khẩu hạt điều của Việt Nam. Ông Bạch Khánh Nhật - lúc bấy giờ là Phó Giám Đốc công ty Vinacontrol TP. Hồ Chí Minh - tham luận về tiêu chuẩn chất lượng hạt điều thô nhập vào Việt Nam. Đại biểu các nước tham luận về số lượng và nhu cầu xuất khẩu hạt điều thô của họ. Sau đó, hội nghị dành phần lớn thời gian cho các cuộc gặp gỡ song phương. Ngay hôm đó, theo ghi nhận từ văn phòng hiệp hội có đến hàng chục cuộc đàm phán về mua bán trực tiếp điều thô từ Châu Phi thành công với hàng chục hợp đồng ký kết trị giá nhiều triệu USD. Chị Minh - Vụ Trưởng Vụ Công Tác Phía Nam Bộ Công Thương - khi ấy gọi điện thoại cho tôi hỏi là hội nghị có thành công không? Tôi trả lời “Mỹ mãn!”.

Diễn đàn phát triển điều Việt Nam – Châu Phi năm 2013 - Ảnh: VINACAS

Những rủi ro đến từ sự khác biệt về văn hóa và cả kỹ thuật thương mại. Chúng ta biết rằng, trước hội nghị này đã có một số doanh nghiệp Việt Nam mở đường sang Châu Phi nhập khẩu hạt điều nguyên liệu (hạt điều thô). Những doanh nghiệp đi tiên phong mọi người thường nhắc đến như các công ty: Thành Lễ , Tấn Lợi (Bình Dương), LAFOOCO Long An, Fatimex Bình Thuận, Nitagrex Ninh Thuận,… nhưng do có khác biệt về văn hóa kinh doanh nên khi tổ chức thực hiện hợp đồng đã gặp phải một số trở ngại. Có những người như chị Nguyên Tổng Giám Đốc công ty Thành Lễ; chị Dung, chị Tư ở Công ty LAFOOCO đã bị khách hàng làm khó trên đất khách quê người. Kinh hoàng hơn nữa là một số cán bộ KCS của các nhà máy, một số cán bộ của VINACAS mặc dù trước khi đi đã có chích ngừa sốt vàng da nhưng về Việt Nam cũng vẫn mắc bệnh phải nhập viện. Có những trường hợp thập tử nhất sinh mà nếu như không nhờ sự tận tình cứu chữa của y bác sĩ, chăm sóc của gia đình, giúp đỡ của bạn bè thì đã không qua khỏi.

Về kinh doanh, tình hình đang tốt đẹp thì mùa vụ năm 2016 đã xảy ra sự cố (năm 2016-2017). Việt Nam nhập từ Châu Phi đến 60% sản lượng chế biến của mình. Khi ký hợp đồng giá thấp, khi giao hàng giá được đẩy lên cao nhiều hợp đồng đã bị phá vỡ hoặc giao với chất lượng xấu. Tình hình năm 2018 thì ngược lại, có đến gần 200 ngàn tấn điều đến từ IVC, Nigeria,... được ký vào thời điểm này. Đến khi giao hàng giá nhân xuống dốc không phanh, dẫn đến các doanh nghiệp nhập điều thô bị lỗ nặng. Phát hiện ra vấn đề này, một số ngân hàng thương mại đã chủ động thắt chặt tín dụng đối với ngành điều, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không có vốn để thanh toán tiền hàng. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu với giá quá cao, khi hàng về giá xuống thấp dẫn đến thua lỗ nặng. Lúc bấy giờ hai bên người mua và người bán đứng trước nhiều khó khăn, may mà các bên cũng đã có thiện chí hợp tác nên mọi chuyện cũng đã được giải quyết. Đó là bài học cho cả hai bên để rồi đến năm 2019, ngành điều đã có một sức sống mới. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đào tạo được lực lượng kiểm hàng, giao nhận rất chuyên nghiệp, xây dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường Châu Phi như: Long Sơn, Hoàng Sơn 1, Cao Phát, Đakao, Thảo Nguyên, Bimico,… Và mới đây nhất là tập đoàn Tân Long. Các đơn vị này đã có những thành tựu ban đầu tại thị trường điều Châu Phi đầy tiềm năng.


Kiểm tra kho hàng điều thô vụ 2018 tại Tanzania - Ảnh: Tân Long