Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 2 – C&N*

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 2

Thưa ông, tuy đã có nhiều kinh nghiệm với nhiều mặt hàng xuất khẩu nhưng khi bắt đầu lại với hạt điều, ông có gặp phải khó khăn hay thách thức gì không? Xin ông chia sẻ thêm.

À, dĩ nhiên rồi. Sau khi anh Lãng đồng ý, anh báo tổng giá trị nhà máy là 2.85 tỷ đồng, trong đó phí chuyển giao công nghệ là 285 triệu đồng. Tôi quyết định ký hợp đồng dù rằng chưa biết lấy tiền đâu để đầu tư. Còn nhớ năm 1984, khi tôi về làm giám đốc xí nghiệp, tài sản cty chỉ có 1 chiếc xe La DaLat trị giá 16,000 đồng cùng 1,200 mét vuông đất ao mương sình lầy và một xưởng 200 mét vuông lợp tôn fibre cement (tiền thân là lò đường thủ công của ông Sáu Sơn). Đến năm 1989, tổng giá trị tài sản của cty cũng chỉ có chừng trên 1 tỷ đồng. Nhưng tôi cố gắng xoay vốn bằng nhiều cách, kể cả đi vay với lãi suất cực sốc 2.5%/ tháng để có tiền đầu tư nhà máy chế biến điều, nuôi sống trên 300 anh em đang làm việc trong xí nghiệp.

Sau khi ký hợp đồng, tôi cử 32 anh em đi học chế biến điều ở Thủ Đức. Lớp F1 này do anh Lê Công Thành đào tạo. Song song đó, tôi tranh thủ sự ủng hộ của tổng công ty và Ủy Ban Nhân Dân tỉnh để có quỹ đất và vốn lập nhà máy. Thật may cho tôi là năm đó có xí nghiệp tinh dầu tràm Long An làm ăn thua lỗ, nên tỉnh có chủ trương giao lại cho UNIMEX-Long An quản lý. Chú Năm Nghi, lúc bấy giờ làm tổng giám đốc UNIMEX-Long An, kêu tôi ra và bảo: “Tôi giao cho chú tiếp quản xí nghiệp tinh dầu tràm, lập nhà máy điều. Nhưng chú phải hứa với tôi là làm ăn có lãi mới được”.

Tôi đồng ý nhưng xí nghiệp quá nhỏ. Tôi phải mua thêm 2,000 mét vuông đất của ông Lê Văn Trưởng để có quỹ đất 12,000 mét vuông, đủ để xây dựng 1 nhà máy chế biến điều công suất 3,000 tấn/ năm. Tổng công trình bao gồm sân phơi, nhà kho, xưởng sản xuất, văn phòng công ty và các công trình phụ. Các thủ tục xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc thiết bị nhanh chóng được tiến hành chỉ trong 6 tháng. Đến quý 1 năm 1990, khi mùa vụ hạt điều Việt Nam bắt đầu, chúng tôi chính thức đưa nhà máy đi vào hoạt động.

Sau này, khi Nhà Nước có chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, tôi được chủ tịch tỉnh (chú Ba Tính) gọi qua giao nhiệm vụ tổ chức cổ phần hóa thí điểm. Tháng 1/1996, doanh nghiệp tôi chính thức chuyển qua hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi “Công ty cổ phần chế biến hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu Long An” (LAFOOCO). Tôi được Đại Hội bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám Đốc công ty. Đây là doanh nghiệp đầu tiên chế biến điều xuất khẩu ở Long An. Sau đó, anh em đã chuyển giao kỹ thuật và mở nhà máy ở khá nhiều nơi như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… Riêng ở Long An có đến trên 30 doanh nghiệp làm điều vào những năm 2000-2010. Long An là địa phương dẫn đầu toàn quốc về kim ngạch xuất khẩu hạt điều. Sau đó LAFOOCO chúng tôi đã trở thành công ty đại chúng và rất nổi tiếng cho đến tận bây giờ.