Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 3
Ông cảm thấy ngành điều Việt Nam đóng vai trò quan trọng như thế nào trong nền nông nghiệp Việt Nam?
Theo tôi thì ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây có khá nhiều thành tựu ấn tượng như xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, hạt điều, các loại trái cây,… đều thuộc top của thế giới. Nhưng tỷ lệ hàng xuất khẩu qua chế biến - tức là xuất khẩu sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao - thì còn khiêm tốn. Ngành điều mặc dù là công nghệ chế biến, thiết bị chế biến không phải nhập ngoại nhưng lại có hàm lượng giá trị gia tăng khá cao theo đánh giá của tiến sĩ Hoàng Tuấn.
Ngày nay, hạt điều giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt $3.5 tỷ USD (2018-2019). Hạt điều nằm trong top 5 ngành hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong ngành nông nghiệp. Lớn hơn cả lúa gạo, cà phê, hồ tiêu và ngang bằng với rau củ quả. Tại hội nghị tổng kết năm 2019, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thông cũng đã đề ra mục tiêu xuất khẩu đạt 5 tỷ USD đến năm 2025 cho ngành điều. Và với điều này, ngành điều sẽ nằm trong top 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cây điều có ý nghĩa với ông như thế nào, thưa ông?
Về mặt kinh tế- chính trị, cây điều là cây đa mục đích như xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Điều là cây kinh tế, gần đây còn là cây làm giàu của nhiều bà con trồng điều. Đối với tôi, cây điều đã gắn bố hơn 30 năm nay. Hằng ngày tôi luôn nghĩ về điều. Cây điều đã cho tôi nhiều thứ như tiền bạc, gia đình, nghề nghiệp, bạn bè và kể cả sự nổi tiếng. Tôi thường nói với các đồng nghiệp của tôi là “Chúng ta nợ cây điều quá nhiều, giờ đã đến lúc chúng ta phải làm cái gì đó nhiều hơn nữa cho cây điều”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ có một ngày tôi không làm điều nữa. Nếu có ngày đó, có lẽ là ngày cuối cuộc đời tôi.