Thương Quá Điều Ơi - Chương 1 – C&N*

Thương Quá Điều Ơi - Chương 1

CHƯƠNG I: HẠT NGỌC CỦA ĐẤT TRỜI

 

Em từ nơi đâu đến đất này? - Hạt ngọc của đất trời.

Sáng nay, nội lại cho tôi theo lên nương lượm hạt điều. Dù đã bao lần nhưng tôi vẫn thích. Điều đang vào vụ thu hoạch, từng chùm hạt nặng trĩu đung đưa trước gió. Đàn ong bay qua bay lại len lỏi trong từng chùm hoa. Phía cuối rẫy nội tôi vẫn là những nhà cây nuôi ong[1] thấp lè tè dưới tán điều. Từng đàn chim chào mào, chim cu xanh líu lo ríu rít trên cây. Chúng tìm ăn những hạt quả chín. Xa xa những chùm hạt quả xanh, quả đỏ, quả vàng còn đọng hơi sương đang lan tỏa mùi chua chua, nồng nồng đặc trưng.

Quả điều có dáng thon bầu. Khi chín có màu đỏ sẫm như trái mận đào ở miền Bắc nhưng khác ở chỗ, ở phía dưới hạt lòi ra ngoài (chính vì vậy còn được gọi là “đào lộn hột”). Hạt điều cong như lưỡi liềm, màu xanh lục khi trưởng thành và chuyển sang màu xám trắng khi quả chín.

Cấu trúc của trái điều và hạt điều

Có lần tôi hỏi nội là cây điều từ đâu đến? Nội bảo khi lớn lên thì nội đã thấy điều mọc thành rừng vô số kể ở vùng đất đỏ bazan này. Nội tôi còn nói hạt điều quí lắm, người dân quê mình trước đây, con nít đem đổi điều lấy cà rem[2], mấy lão nông mang điều đi uống cà phê, đám hỏi đám cưới thanh niên trong vùng cũng có điều trong mâm ngũ quả. Các dịp lễ, giỗ, người dân quê tôi cũng chưng điều trên bàn thờ tổ tiên.

Nội tôi còn nghe già làng kể lại rằng:

“Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một con chim thật lớn từ ngoài biển bay vào mang theo một loại hạt. Hạt nở thành cây. Năm tháng qua đi, cây mọc thành rừng, trổ bông kết trái thơm ngát cả một vùng. Mùa ra hoa, kết trái, ong bướm, chim chóc bay về náo nhiệt từ sáng tới chiều. Người dân quê tôi thấy chim ăn được quả lạ nên nghĩ chắc mình cũng ăn được. Ăn thử thấy chua chua, chát chát.

Rồi ngày kia rừng cháy, những hạt điều cũng bị cháy. Người ta lượm hạt lên thấy thơm nên ăn thử thì rất đỗi ngạc nhiên vì hạt điều nướng thơm ngon vô cùng.”

Bà nội bảo đấy là sản phẩm của đất trời ban tặng cho người dân quê mình.

Nội tôi còn kể, ngày xưa thời chiến tranh, ông nội tôi còn đào hầm tránh bom, tránh đạn dưới gốc điều. Bà chỉ ra cây điều tổ ngoài sân và bảo căn hầm ở đó. Cây điều tổ nhà tôi to lắm, tán nó rộng phủ kín cả công đất, thân cây xù xì, vươn cao. Trên cây có một tổ ong bắp cày[3]nhưng nội không cho tôi phá chọc bậy vì sợ bị ong đánh. Cây điều trút lá trổ bông sau mùa mưa và bắt đầu ra bông vào đầu mùa khô. Bông điều[4] màu tím hồng nở thành chùm, từ lúc ra bông đến khi trái chín mất chừng 8 tuần. Cây điều tổ nhà tôi nổi tiếng nhất vùng này; trái nó to đều, chỉ có 110-140 hạt khi khô trên ký. Mỗi năm cây cho thu hoạch gần 200kg hạt. Điều nhà tôi không chỉ hạt to mà nhân còn đầy lại chắc, ăn thơm ngon và béo lắm. Dân trong vùng và cả bà con ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận,… cũng thường đến đây dòm dòm, ngó ngó xin hạt, hoặc chồi về nhân giống.

Bà nội tôi cũng kể có lần giặc càn mang xiên đi xôm[5] quanh nhà để tìm hầm Việt Minh, nhưng rất may là chúng không tìm thấy hầm ông nội tôi. Trong những lần bom đìa, đạn xới nhưng ngôi nhà sàn nhỏ bé của ông bà nội tôi vẫn không bị đánh sập nhờ núp bóng dưới tán những cây điều và từ đó điều trở nên thân thương vô cùng đối với gia đình tôi.

Ước mơ ngàn đời của một miền quê

Bà nội tôi bảo cây điều có nhiều lợi ích cho người đời lắm. Lá điều để đốt muỗi cho người và gia súc. Lá non dùng làm rau. Lá bánh tẻ mà xúc thịt rắn bằm xào sả ớt thì ngon vô cùng. Gỗ điều dùng làm nhà, cành điều làm củi. Quả điều làm bánh mứt hay nấu canh chua cá lóc là món ăn đặc sản nổi tiếng xưa nay. Nó còn được ép làm nước giải khát hoặc làm rượu chát uống cũng rất ấn tượng. Nhưng phần có giá trị kinh tế cao nhất là nhân hạt điều vì nó có năng lượng cao, có hàm lượng chất béo không bão hòa cao và có lượng đạm cao,… rất tốt cho sức khỏe con người.


"Thương quá điều ơi!"


Như tôi đã nói với các bạn, tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, thuộc tỉnh Bình Phước, nơi đó điều mọc thành rừng. Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, người dân quê tôi luôn ấp ủ một điều là làm sao để họ sống gắn bó được lâu dài với cây điều. Đó là ước mơ nhiều đời của họ. Thời đó hạt điều được chúng tôi gom từ rẫy về, đêm đêm có người đến mua, nhưng thường thì chúng tôi bị ép và phải bán với giá rẻ. Lúc bấy giờ, người dân quê tôi không biết chẻ điều lấy nhân để xuất khẩu như bây giờ. 100% là xuất khẩu hạt điều nguyên liệu mà chỉ bán được cho một khách hàng duy nhất đến từ Ấn Độ. Có những lúc đang mùa thu hoạch điều, trời đổ mưa lớn, hạt điều đổ đống lên mộng, nổi mốc,… không biết xử lý ra sao, thật là cơ cực!

Nhưng cứ mỗi độ xuân về Tết đến người dân quê tôi lại thấp thỏm mừng lo cầu mong cho trời đất mưa thuận gió hòa, điều trúng mùa, trúng giá để có tiền trang trải chi phí, trả nợ mưu sinh cũng như có tiền cho con trẻ đến trường,… Nhưng có mấy khi ước mơ nhỏ bé của họ thành hiện thực. Thường thì điều trúng mùa lại rớt giá, hoặc ngược lại. Cảnh nghèo vẫn cứ nghèo dù họ đã cố gắng lắm rồi.

Thật là “Thương quá điều ơi!”.


Chú thích:

[1] Nhà cây nuôi ong: tiếng địa phương, thực chất đây là những thùng gỗ có nắp dùng để nuôi ong, bên trong là khung cầu ong và ván ngăn,…

[2] Cà rem: kem que được bán dạo.

[3] Ong bắp cày: là loại ong lớn, dài từ 2-3,5 cm, hung dữ và thường tấn công người.

[4] Bông: tiếng địa phương Nam Bộ, có nghĩa là “hoa”. Tương tự “trái” nghĩa là “quả”. Trong cuốn sách này sẽ sử dụng nhiều ngôn ngữ địa phương Nam Bộ.

[5] Mang xiên đi xôm: đem những que nhọn đi chọc.