Thương quá điều ơi - Chương 2 - Phần 2 – C&N*

Thương quá điều ơi - Chương 2 - Phần 2

CHƯƠNG II: GIÁ TRỊ ĐIỀU VIỆT NAM

Cây điều Việt Nam - Câu chuyện dài và lời kể của người trong cuộc

Phần 2: Giống điều - Hãy giữ hương vị quê hương

Ông Phạm Văn Đẩu từng nói:  “Giống tốt là giống được người nông dân công nhận chứ không phải là thứ khoa học chung chung. Giống tốt làm cho túi tiền của người trồng điều phình to ra, chứ không phải là giống làm cho túi ai đó nặng thêm”.

KS Phạm Văn Đẩu hướng dẫn ghép cải tạo vườn điều cho bà con nông dân - Ảnh: NNVN

Ông Phạm Văn Đẩu là người được Phân Viện Đặc sản rừng - Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn) cử đi khảo sát điều ở Ấn Độ từ năm 1978. Ông kể, trong nhóm ông (Nhóm nghiên cứu về giống điều) vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đi làm công tác tuyển chọn giống cũng chỉ chú ý đến số lượng hạt trên cây chứ chưa chú ý tới tỉ lệ nhân thu hồi. Nhưng khi khảo sát ông phát hiện ra một điều rất thú vị: trong vườn điều không phải cây nào cũng như cây nào, thế thì tại sao cây tốt trong vườn lại không được nhân lên để đẩy năng suất lên?

Năm 1992, khi Dự án VIE/85/005 của FAO kết thúc, ông trở lại Đồng Nai vào trang trại của ông Nguyễn Văn Phúc (tức ông Ba Phát Ngân) - một kỹ sư nông nghiệp tu nghiệp ở Mỹ, sau giải phóng ông ở lại Việt Nam sinh sống. Ông Ba Phát Ngân lúc bấy giờ có trang trại trồng điều 70ha ở Trảng Bom, Đồng Nai. Biết ông Đẩu là người đang làm dự án về giống điều đề án của FAO tài trợ cho Việt Nam, ông Ba Phát Ngân nhờ ông Đẩu tuyển chọn giống tốt trong vườn nhà với mục đích giúp bà con nông dân trồng điều có giống tốt. Ông Đẩu đã cùng với ông Ba Phát Ngân “quy hoạch” 5ha điều trong trang trại của ông Ba Phát Ngân để làm vườn giống. Sau đó ông chọn được “cây số 07” là cây có hạt lớn, tỷ lệ nhân thu hồi cao, năng suất cao,… Sau này, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thực hiện dự án giống vào năm 1994 - 1995 đã đặt tên cho giống này là giống “PN1” - trên thực tế, hiện nay đây là giống điều chủ lực của Việt Nam. PN1 được bà con trồng ở Bình Phước, Đồng Nai, nhiều nơi khác và cả ở Campuchia ưa chuộng lai tạo. Ông Đẩu cho hay cùng thời gian đó, ông Nguyễn Thái Học lúc bấy giờ làm Tổng Giám đốc Công ty Donafoods Tỉnh Đồng Nai cũng mời ông giúp xây dựng kế hoạch phát triển điều trên địa bàn tỉnh. Sau này, ông Nguyễn Hữu Sinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã mời ông Đẩu giúp xây dựng chương trình phát triển điều ở Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thời kỳ 1995 – 1996, Công ty Donafoods - doanh nghiệp Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đầu tiên của ngành điều Việt Nam - là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành có kế hoạch gắn sản xuất điều với nhà máy chế biến thông qua đề án phát triển cây điều và thành lập các nhà máy điều ở hầu hết các huyện có diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh như nhà máy điều Long Khánh, Long Thành, Xuân Lộc, Gia Kiện, La Ngà, Xuyên Mộc,… tổng cộng 7 nhà máy (chưa kể nhà máy trung tâm). Công ty Donafoods đã tổ chức rất nhiều các lớp hướng dẫn giúp lai tạo giống điều do KS. Phạm Văn Đẩu phụ trách. Nhưng lớp tập huấn đầu tiên ở Việt Nam lại được tổ chức ở Tỉnh Thuận Hải (cũ) vào năm 1988 bởi chuyên gia của FAO là KS. Phạm Văn Nguyên. Sau này FAO tổ chức thêm một số lớp hướng dẫn kỹ thuật ghép điều cho Việt Nam vào các năm 1992 - 1993 ở Tỉnh Bình Dương. Có một điều thú vị  là phương pháp ghép điều của các chuyên gia FAO chuyển giao cho Việt Nam lại không hay bằng phương pháp ghép của Việt Nam. Ông Đẩu nói: “Chuyên gia FAO chỉ dẫn chỉ cuốn sợi dây nilon ở chỗ ghép, còn trên chồi ghép thì chụp bịt mũ”, tỷ lệ chồi sống chỉ đạt 50%. Sau này, Việt Nam đã cải tiến cách ghép nâng tỉ lệ chồi sống lên trên 90%; có người ghép chồi sống lên đến 98%. Nguyên nhân là nông dân Việt Nam khi ghép, cuốn sợi dây nilon lên kín gần hết chồi ghép, chỉ cho hở búp chồi để thở chứ không chụp bịt nilon lên chồi ghép. Ông bảo rằng làm như vậy chồi ghép cũng ít bị sâu bọ phá hoại.

Phong trào trồng điều đang lên. Năm 2000, tại Thị xã Phan Thiết (nay là Thành phố Phan Thiết - Tỉnh Bình Thuận), Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 120/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam”. Chủ trì Hội nghị là ông Lê Huy Ngọ - Bộ trưởng - cùng chủ trì có Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Thuận và ông Nguyễn Thiện Luân. Tham dự Hội nghị có tất cả lãnh đạo Tỉnh và Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, các Tỉnh có trồng chế biến điều xuất khẩu, các Cục và Viện của Bộ. Tại hội nghị, GS.TS. Phạm Văn Biên và Th.S. Nguyễn Thanh Bình đã báo cáo về tình hình giống điều năng suất cao của các Tỉnh Đông Nam Bộ, trong đó có giống PN1 có năng suất cao nổi trội.

Ông Bình cho rằng Việt Nam nên nhập nội một số giống điều năng suất cao về để phát triển. Ông Đẩu cũng phát biểu về công tác giống ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Ông Đẩu và ông Nguyên lại cho rằng ở Việt Nam có rất nhiều giống tốt, chỉ nên tuyển chọn và nhân rộng để phát triển không cần nhập nội giống.

Hai năm sau, đã có một hội nghị về giống do Vụ Khoa Học Công Nghệ, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tổ chức. Hội nghị do ông Nguyễn Văn Bộ - Cục trưởng chủ trì. Nội dung Hội nghị là xem xét để kết luận xem 3 giống điều: PN1; NG1, CH1 và 5 giống (MH5/4, MH4,…) ai là tác giả? Chuyện mà lúc đó cho đến mãi sau này rất lùm xùm trong giới nghiên cứu về giống. Cuối cùng thì ông Bộ cũng kết luận đây là sản phẩm của tập thể nhóm tác giả gồm có các ông: KS. Phạm Văn Đẩu, GS.TS. Phạm Văn Biên, ông Nguyễn Thái Học, Th.S. Nguyễn Thanh Bình.

Giống điều PN1. Ảnh: VINACAS

Khi chương trình “Ghép cải tạo vườn điều” do Vinacas tổ chức, ông Đẩu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đã tuyển chọn ở Tỉnh Lâm Đồng đuợc hơn 10 cây nổi trội, Bình Phước được hơn 30 cây. Những cây này đã được Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn công nhận là giống tốt của địa phương. Ông nói: “Trong tập đoàn giống điều ở Việt Nam, có những cây tỉ lệ nhân thu hồi lên đến 36 - 37%”.

Với 75 tuổi đời và hơn 40 năm tuổi nghề đến giờ ông vẫn mong muốn được cống hiến vô điều kiện cho ngành điều Việt Nam, ông tâm sự: “Giống điều tốt phải là giống được người nông dân trồng điều công nhận chứ không phải là thứ khoa học chung chung”. Ông còn nói “Giống điều tốt làm cho túi tiền người nông dân phồng lên chứ không phải túi ai đó nặng thêm”.

Trong cuộc đời tôi có nhiều lần đi công tác với KS. Phạm Văn Đẩu. Tôi thấy trong ông luôn cháy bỏng một khát vọng về việc là làm thế nào để phát hiện bảo tồn nguồn gen điều quí của Việt Nam. Ở ông là cả kho kiến thức về giống điều không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Campuchia, Lào, Thái Lan, Úc, New Zealand, Bờ Biển Ngà,… Chính ông là người đã phát hiện ra giống PN1 như đã nói ở trên, và chính ông cùng với kỹ sư Phạm Văn Nguyên cho rằng giống AB.05-08 và AB.29 vốn là giống nhập nội từ Campuchia. Trong trang trại điều của ông A Hooc ngã ba S’Kun, sau này khi đoàn công tác chúng tôi tới tham quan, chính ông A Hooc đã báo cáo giống đó là do ông nhập nội từ Thái Lan về đặt tên “M23”.  Về sau, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Nghiệp miền Nam liên doanh với ông để khai thác giống này tại Việt Nam, đặt tên là AB.05-08 và AB.29.