Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 1 – C&N*

Thương quá điều ơi! - Chương 3 - Phần 1

CHƯƠNG III: NHỮNG QUYẾT ĐỊNH BƯỚC NGOẶT CỦA TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM – DẤU ẤN VINACAS


Câu chuyện ngày thành lập

Hiệp Hội Điều Việt Nam tên tiếng Anh là “Vietnam Cashew Association” (tên giao dịch: VINACAS) thành lập ngày 23/11/1990 và được Bộ Nông Nghiệp và Công Nghiệp Thực Phẩm (nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn) ra quyết định công nhận số: 346/NN-TCCB/QĐ ngày 29/11/1990. Hiệp Hội do 11 doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Sông Bé cũ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tây Ninh, Thuận Hải và Bình Định thành lập. Ban chấp hành gồm 7 thành viên trong đó ông Nguyễn Văn Thạch - Tổng Giám đốc công ty Công Nghiệp Thực Phẩm Vinalimex - làm chủ tịch. Ông Nguyễn Túy Can - giám đốc chi nhánh Vinalimex TP.HCM - làm Tổng Thư ký. Ông Hoàng Văn Cuông - một luật sư công tác ở Vinalimex - là người soạn thảo điều lệ đầu tiên của Hiệp Hội.

Logo VINACAS - Ảnh: VINACAS

Trong chuyến công tác ở Ấn Độ vào năm 1996, ông Cuông kể tôi nghe “Khi đầu, tôi và anh Thạch chẳng biết gì về hạt điều cả, nhưng khi đi đến vùng điều ở Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận… thấy điều bạt ngàn. Đọc tài liệu nước ngoài thấy giá trị kinh tế của hạt điều rất cao, thị trường xuất khẩu lại phong phú. Nhưng trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu điều thô, còn chế biến lấy nhân xuất khẩu thì ít thôi”. Ông Thạch nảy ra ý định tập họp anh em làm điều lại trong một tổ chức gọi là Hội. Một số cây khác cũng làm rồi và rất hiệu quả. Anh em vừa gặp nhau chia sẻ thông tin thị trường giá cả, kinh nghiệm sản xuất lại tranh thủ được sự ủng hộ của các Bộ ngành Trung Ương đặc biệt là Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Công Thương...

Thế rồi ông mang việc này ra bàn trong nội bộ công ty và phân công tôi soạn thảo điều lệ cũng như vận động các doanh nghiệp đang làm điều ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác vào Hội. Ngày 23/11/1990 tại thành phố Thủ Dầu Một - tỉnh Sông Bé cũ, chúng tôi đã tổ chức đại hội đầu tiên của Hiệp Hội Cây Điều Việt Nam.

Quyết định cho phép hoạt động và công nhận Hội đồng Quản trị Hiệp hội – Tư liệu VINACAS

Chương trình Hội nghị cây điều toàn quốc lần II/ 1990 (Đại hội đầu tiên của VINACAS) - Tư liệu VINACAS

Việt Nam dừng xuất khẩu hạt điều thô

Hồi đó, theo thông lệ vào đầu vụ thu mua điều, các thành viên Hiệp Hội lại nhóm họp để bàn về giá thu mua. Hôm đó là vào tháng 3 năm 1995, ngay sau Tết cổ truyền tại thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp Ban chấp hành. Tham dự có các ông/ bà: Hùynh Phi Dũng - Chủ tịch, Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch, Vương Hải - Phó Chủ tịch, Nguyễn Văn Lãng - Tổng Thư ký; ông Nguyễn Thái Học, Hồ Ngọc Cầm và tôi là ủy viên Ban Chấp Hành. Khách mời tham dự có ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Ban Vật giá Chính phủ (sau này làm Phó Ban đổi mới doanh nghiệp Trung Ương rồi Thứ trưởng Bộ Tài chính), cùng dự còn có ông Nguyễn Văn Thọ - người của Ban Vật giá Chính phủ.

 Ông Huỳnh Phi Dũng – nguyên Chủ tịch VINACAS. Ảnh: TTOL

Mở đầu phiên họp ông Lãng - tổng thơ ký - báo cáo về những khó khăn của các nhà máy chế biến và người dân khi giá thu mua không ổn định, cứ trồi sụt làm cho người dân không an tâm. Trên thị trường luôn có sự chèn ép giá của các công ty xuất khẩu điều thô. Các nhà máy chế biến luôn cạnh tranh. Khó khăn do thiếu vốn, có nguy cơ không đủ nguyên liệu để sản xuất giải quyết việc làm cho người lao động, và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Tuấn nói: “Về mặt nguyên tắc chúng ta có thể đưa hạt điều vào doanh mục Nhà nước thống nhất quản lý giá”. Nhưng vấn đề băn khoăn là liệu các nhà máy có mua hết được điều trong dân với giá hợp lý không. Sau ít phút thảo luận, ông Dũng cam kết với ông Tuấn là Hiệp Hội sẽ có giải pháp đẩy mạnh chế biến hết điều trong nước lấy nhân xuất khẩu. Doanh nghiệp nào thiếu vốn cứ lên công ty Thành Lễ ông cho vay. Nhưng đến đây, ông Tuấn sau một phút suy tư lại lái câu chuyện sang hướng khác: “Hay là ta chỉ đề nghị phụ thu xuất khẩu?”. Mọi người sôi nổi bàn bạc xem nếu phụ thu thì bao nhiêu %, cuối cùng thống nhất 15%. Ông Tuấn và ông Dũng kết luận Hiệp Hội sẽ có văn bản đề nghị lên Ban Vật Giá Chính Phủ để họ có căn cứ làm tờ trình đề nghị Chính Phủ cho phụ thu 15% đối với hạt điều thô xuất khẩu thay bằng 0% như trước.

Việt Nam dừng xuất khẩu hạt điều thô từ năm 1995 - Ảnh: TTOL

Bảy ngày sau, Chính Phủ chính thức có quyết định về việc phụ thu xuất khẩu hạt điều thô 15%, đúng như Hiệp Hội và Ban Vật Giá Chính Phủ đề nghị. Thật sự cho đến mãi sau này, tôi vẫn vô cùng ấn tuợng về cách làm việc quyết đoán của ông Dũng Chủ Tịch Hiệp Hội lúc bấy giờ. Và đúng như ông Dũng đã hứa với ông Tuấn, suốt từ đó, ngành điều luôn mua và chế biến hết điều của dân và sau này còn phải nhập thêm nguyên liệu cả hơn triệu tấn từ bên ngoài mỗi năm. Câu chuyện xuất khẩu hạt điều thô của Việt Nam được chấm dứt từ đó.