Thương quá điều ơi! - Chương 4 – C&N*

Thương quá điều ơi! - Chương 4

CHƯƠNG IV: TƯƠNG LAI NGÀNH ĐIỀU VIỆT NAM

 

Thử đi tìm giá trị cốt lõi của ngành điều Việt Nam

Vâng tôi đồng ý với đa số ý kiến kinh doanh là để kiếm tiền. Mục tiêu đó, câu nói đó ngàn đời vẫn vậy, vì nếu kinh doanh không vì mục tiêu lợi nhuận thì vì cái gì đây. Trong khi bạn đang cần tiền mỗi ngày phải không? Mà chuyện kinh doanh kiếm tiền thì có gì đâu mà phải bàn, cái đáng bàn ở đây là “cách kiếm tiền của chúng ta”. Thôi thì ở đời luôn có chuyện này chuyện nọ, doanh nghiệp cũng vậy lúc thăng lúc trầm, khó khăn lắm, áp lực ghê lắm. Cái chính là trong 30 năm qua lớp anh trước, lớp em sau chúng ta đã vượt lên được chính mình.

Sự thật thì những việc mà chúng ta làm được trong hơn 30 năm qua cho xã hội, cho gia đình và cho chính bản thân chúng ta là quá lớn quá ấn tượng. Tôi xin đảm bảo với quí vị rằng vào những năm 1990 của thế kỷ trước không một ai, kể cả những người lạc quan nhất, dám nghĩ rằng chỉ 20 năm sau, năng suất lao động trong khâu chế biến của ngành điều đã tăng trên 10 lần. Tôi còn nhớ hồi đó để sản xuất 50 tấn hạt điều nguyên liệu/ngày các nhà máy cần khoảng 3,000 lao động, bây giờ thì chỉ cần 150-200 lao động. Còn nữa, lúc bấy giờ cũng không ai ngờ rằng cũng chừng ấy năm sau, Việt Nam từ một quốc gia chỉ biết xuất khẩu hạt điều thô đến nay đã nhiều năm liền trở thành quốc gia chế biến xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới. Tôi gọi chuyện này là “Ngôi vương của kẻ đến sau” vì Việt Nam có lịch sử chế biến điều sau Brazil và Ấn Độ khá xa. Chưa hết, bây giờ chúng ta còn đẩy mạnh chế biến sâu. Việc này đã làm gia tăng giá trị điều Việt Nam vì theo tính toán của tôi, hiện nay hầu hết sản lượng điều thô trong nước, hạt điều size lớn từ Campuchia, một ít của Châu phi nữa đã được dùng vào chế biến sâu (Điều rang muối còn vỏ lụa, điều rang muối, điều chiên có muối và không muối, điều gia vị, sữa điều…). Doanh thu của dòng sản phẩm này kể cả tiêu thụ nội địa lên đến cả tỷ USD (năm 2019).

Nhưng giá trị cốt lõi của ngành điều Việt Nam là gì? Phải chăng chúng ta phải tiếp tục giữ vững vị thế của mình và cao hơn nữa là hạt điều Việt Nam phải luôn mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường vì cộng đồng? Hạt điều Việt Nam luôn là niềm tự hào chung của dân tộc Việt Nam, xứng danh với ngôn từ mà bạn bè quốc tế tặng cho chúng ta:

“NÓI ĐẾN HẠT ĐIỀU – NGHĨ ĐẾN VIỆT NAM.”

Hạt điều - Thương hiệu thực phẩm Việt Nam


Bàn về chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam giai đọan 2020-2030 và tầm nhìn 2045

Chúng ta bắt đầu câu chuyện bằng việc thống nhất với nhau là chuỗi giá trị của ngành điều có những phân khúc chính sau đây:

Một là: Những người trồng điều (Nhà sản xuất).

Hai là: Nhà chế biến xuất khẩu sản phẩm điều (Nhà chế biến xuất khẩu).

Ba là: Nhà nhập khẩu, rang chiên, đóng gói (Bán buôn).

Bốn là: Nhà bán lẻ (Tập đoàn siêu thị).

Chúng ta cũng dễ dàng thống kê được giá bán lẻ tại các siêu thị (cho tất cả các mã) khỏang 18,000 USD/ mt. Như vậy:

Phân khúc 1 chiếm 34% của chuỗi giá trị (khoảng 5kg hạt tươi/kg nhân xuất khẩu theo tiêu chuẩn AFI. Cũng theo thống kê 10 năm nay giá nguyên liệu bình quân gia quyền là 1,200USD/ mt tươi và nếu định mức 5kg tươi/kg xuất khẩu thì phân khúc 1 có giá trị là 6,000USD).

Phân khúc 2 chiếm 7% (chúng tôi tính chi phí chế biến 1,200 USD/ Mt nhân xuất khẩu)

Phân khúc 3 chiếm 9% (đó là chi phí rang chiên - bao bì - đóng gói)

Phân khúc 4 chiếm 50% (phần còn lại của chuỗi giá trị)

Như vậy, đa phần các quốc gia sản xuất điều như Việt Nam, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Tanzania,… với tư cách là nhà sản xuất tham gia 34% vào chuỗi và nếu sơ chế thì có thêm được 7% giá trị chuỗi. Rõ ràng là chúng ta muốn tăng thêm giá trị trong chuỗi thì chỉ có 2 cách: một là tham gia sâu vào chuỗi, hai là làm gia tăng giá trị chuỗi chúng ta tham gia.

Theo Tiến sỹ Hoàng Tuấn, giải pháp liên kết chuỗi là phù hợp nhất. Song trước hết chúng ta phải tăng giá trị chuỗi bằng chiến lược “mềm” bao gồm cải tạo giống và sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn thực phẩm. Chúng ta còn có thị trường trong nước 100 triệu dân, lại có thị trường sân sau là Trung Quốc với 1.50 tỷ dân vào năm 2025. Trong khi đó giá trị dinh dưỡng của hạt điều và xu hướng tiêu dùng đã rõ. Do vậy, chúng tôi cho rằng nếu VINACAS với vai trò tạo sân chơi cho các doanh nghiệp, mà kết nối được các chủ thể của chuỗi với nhau thì sẽ đem lại lợi thế rất lớn cho ngành điều Việt Nam. Nhưng trước hết các doanh nghiệp phải chủ động tham gia liên kết chuỗi.

Về mục tiêu tổng quát, chúng tôi cho rằng tổng doanh thu ngành điều Việt Nam năm 2025 sẽ đạt vào khoảng 5 tỷ USD, năm 2030 đạt 6 tỷ USD và năm 2045 đạt 7-8 tỷ USD.

Cụ thể:

Nội dung

Năm 2025

Năm 2030

Năm 2045

Tổng diện tích (ngàn ha)

300

300

300

Năng suất (tấn/ha)

2.00

2.20

2.5

Sản lượng (ngàn tấn)

600

660

750

Sản lượng chế biến (ngàn tấn)

2,500

3,000

4,000

Tổng doanh thu (tỷ USD)

$5 

$6

$8 

Dự báo:

  • 10 năm sau Campuchia có 1 triệu tấn trong khi Việt Nam chỉ có 600 ngàn tấn.
  • 10 năm sau Bờ Biển Ngà trở thành quốc gia chế biến điều lớn của thế giới nhưng vẫn xếp sau Việt Nam và Ấn Độ.
  • 10 năm sau sản lượng điều thô của Việt Nam chỉ đủ cho tiêu dùng trong nước.
  • 10 năm sau Việt Nam sẽ có khoảng 20 doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu 100 triệu USD trở lên.

Vườn điều Campuchia - Ảnh: Phnompenh Post