Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 1 – C&N*

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 1

Thưa ông, ông có thể chia sẻ duyên cớ nào mà ông được tiếp xúc và làm việc trong ngành điều Việt Nam?

Tôi đến với ngành điều là một sự tình cờ. Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được phân công làm giám đốc một xí nghiệp chuyên chế biên hàng xuất khẩu. Chúng tôi làm đủ mọi mặt hàng xuất khẩu như các thứ gia vị: gừng, nghệ, tiêu, rau diếp cá, hành, tỏi, ớt đến sản phẩm da súc như da trâu, da bò, sừng trâu rồi các sản phẩm gia cầm như hột vịt muối, vịt lạp, vịt đông lạnh, lông vũ. Các sản phẩm này lúc bấy giờ đều xuất qua khối các nước Xã Hội Chủ Nghĩa thuộc Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế - SEV (Sovyet Ekonomičeskoy Vzaimopomošči).

Khi SEV chấm dứt hoạt động, xí nghiệp tôi đứng trước nguy cơ phá sản. Tháng 6 năm 1989, anh Huỳnh Minh – lúc bây giờ làm phó tổng giám đốc tổng công ty Xuất Nhập Khẩu Tổng Hợp Long An (UNIMEX – Long An) – giới thiệu tôi với anh Nguyễn Văn Lãng, Lê Công Thành và Nguyễn Minh Sơn. Các anh đến từ Công Ty Lương Thực Thành Phố Hồ Chí Minh - Cơ Sở cô Ba Thi. Anh Lãng làm trạm trưởng Trạm Nghiên Cứu Sản Xuất Thử của Công Ty Lương Thực Thành Phố. Trạm của anh Lãng có nhà máy chế biến điều đặt tại Thủ Đức – do anh Lê Công Thành phụ trách.

Sau khi nghe anh Lãng giới thiệu về công nghệ lấy nhân hạt điều xuất khẩu, tôi cảm thấy đây là lối thoát cho doanh nghiệp của mình. Cho nên tôi đề nghị anh Lãng cho tôi lên thăm nhà máy. Khi tôi và một số anh em lên khảo sát, nghe anh Thành giới thiệu về công nghệ chế biến, tận mắt thấy nào là lò chao, phòng sấy, máy cắt tách hạt,… tôi thấy công việc này tuy khó nhưng khá phù hợp với lực lượng lao động ở Long An. Tôi đặt vấn đề để anh Lãng chuyển giao công nghệ chế biến điều cho mình. Anh đồng ý. Vậy là công nghệ chế biến điều xuất khẩu được chuyển giao cho xí nghiệp của tôi ở Long An và tôi bắt tay vào làm điều từ đó.