Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 11 – C&N*

Trò chuyện cùng ông Nguyễn Đức Thanh - Phần 11

Ông có những băn khoăn hay suy nghĩ gì về ngành điều không? Xin ông chia sẻ.

Trong 28 năm làm việc ở VINACAS, tôi chứng kiến sự phát triển thần kỳ của ngành điều. Nếu nói về những băn khoăn thì ở thời điểm hiện tại, tôi có những suy nghĩ đại loại như:

- Tôi không thể ngờ ngành điều Việt Nam phát triển nhanh đến như vậy. Đến giờ tôi vẫn mãi nghi ngờ có phải chúng ta đã qua mặt Ấn Độ.

- Tại sao sản lượng điều thô Campuchia lại tăng nhanh đến vậy? Có phải bây giờ kỹ thuật canh tác điều của bạn đã ở giai đoạn phát triển mới.

- Tại sao các ngành xuất khẩu khác lại lao đao vì dịch COVID-19, còn ngành điều lại bị ảnh hưởng ít hơn. Lấy đâu ra sức đề kháng cao như vậy?

- Cạnh tranh giá rẻ có phải chúng ta đang đi trật hướng. Nhân tiện đây tôi cũng muốn nói về chuyện cạnh tranh giá rẻ một chút. Hồi đó cho đến tận bây giờ, ngành điều Việt Nam luôn có xu hướng lấy giá rẻ để cạnh tranh khi bán hàng. Theo tôi đây là một kiểu cạnh tranh làm cho đối thủ dễ bị nốc ao (knock-out) nhất. Đây cũng là kiểu làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp điều Việt Nam cạnh tranh kiểu này cũng đã làm cho Ấn Độ mất ngôi vương, còn các doanh nghiệp Brazil, Indonesia thì khỏi nói. Họ không thể nào cạnh tranh lại về giá với Việt Nam.

Tôi thì lại nghĩ khác. Tôi cho rằng đây là kiểu cạnh tranh chẳng ai được lợi. Người sản xuất có thể bị ép bán giá thấp. Nhà máy thì không dám đầu tư do phải cắt giảm các chi phí. Lương công nhân khó mà cao được. Người tiêu dùng cũng sẽ không nhận được sản phẩm chất lượng cao. Cho nên tôi nghĩ nhà sản xuất, người chế biến xuất khẩu, nhà rang chiên, người bán lẻ tức các khâu của chuỗi cung ứng nên tìm ra một cách để hợp tác, chia sẻ sao cho mọi người đều được hưởng lợi. Vì một khâu trong chuỗi cung ứng mà gãy thì ảnh hường đến toàn chuỗi cung úng. Cái mà chả ai muốn.